Những kỹ năng cần thiết để làm việc trong công ty nước ngoài

Kỹ năng tự học và phát triển bản thân không phải là yếu tố đặc biệt nhưng những người quản lý tại các tập đoàn đa quốc gia
Những công ty nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia thường có mức lương cao và đãi ngộ tốt nhưng đi cùng với các phúc lợi này là áp lực công việc và những yêu cầu kỹ năng quan trọng, cần thiết cho công việc.

Nếu thiếu một hay vài kỹ năng thì bạn sẽ gặp nhiều khó khăn để bắt kịp tiến độ công việc. Vậy đâu là những kỹ năng cần có để sống sót tại môi trường làm việc quốc tế?

1. Tiếng Anh

Môi trường quốc tế yêu cầu bạn phải giao tiếp bằng Tiếng Anh với các sếp và đồng nghiệp người nước ngoài. Trừ trường hợp các công ty đến từ những nước nói ngoại ngữ khác như Hàn, Nhật, Trung… chỉ cần bạn giỏi ngoại ngữ tương ứng của nước họ, hầu hết các công ty quốc tế đều chọn Tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp chính. Đây cũng là kỹ năng cần thiết nhất để bạn có thể kết nối với mọi người trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Học một khóa Tiếng Anh phù hợp và tìm kiếm môi trường tiếp xúc nhiều với người nước ngoài trong cuộc sống sẽ giúp trình độ Anh ngữ của bạn tiến bộ nhanh hơn.

2. Tự tin

Có vẻ như đây không phải là kỹ năng nhưng trong thực tế, tạo cho bản thân phong cách tự tin và sẵn sàng cho mọi việc lại vô cùng cần thiết trong công ty nước ngoài. Cụ thể hơn, bạn cần tự tin bày tỏ quan điểm, sẵn sàng đón nhận thách thức từ công việc, chứng minh rằng bạn dám và có thể làm tốt mọi việc (Can-Do Attitude). Kỹ năng tự tin vào bản thân hoàn toàn có thể cải thiện dần bằng cách tìm hiểu và nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của chính mình và tận dụng những ưu thế ấy vào công việc. Đừng ngại bất kỳ điều gì! Nếu chưa sẵn sàng cho một việc nào đấy thì chuẩn bị thật kỹ trước khi bắt tay vào làm. Mình chỉ tự tin khi mình hiểu rõ bản thân và việc mình làm.

3. Tin Học Văn Phòng

Các tập đoàn đa quốc gia luôn coi trọng yếu tố chuyên nghiệp. Làm quen nhanh với những công nghệ mới giúp họ luôn đi đầu trong lĩnh vực của mình. Chính vì vậy, những công ty nước ngoài đặt ra yêu cầu cao hơn với những nhân viên của mình: không chỉ cần thành thạo kỹ năng Tin Học Văn Phòng mà còn có thể sử dụng Microsoft Office nâng cao. Chỉ khi bạn quen tay và sử dụng nhanh các thao tác trong Word, Excel, PowerPoint… thì bạn mới đủ sức trụ vững với khối lượng công việc liên tục. Các khóa học trực tuyến với bài giảng cụ thể, chi tiết sẽ giúp bạn chủ động học những kỹ năng này mọi lúc mọi nơi.

4. Giao tiếp

Khác biệt về văn hóa và tư duy chính là lý do để kỹ năng giao tiếp trở thành một yếu tố không thể xem nhẹ khi phát triển sự nghiệp trong các công ty đa quốc gia. Chỉ có giao tiếp hiệu quả mới giúp bạn lắng nghe, hiểu và cùng làm việc tốt trong một tập thể. Việc luyện kỹ năng này cần một quá trình dài nên bạn hãy bắt đầu từ đồng nghiệp ngồi gần bạn nhất trong công ty. Hãy làm quen, trò chuyện về công việc và khi thân hơn có thể hỏi thăm về cuộc sống của nhau. Điều này cũng giúp tạo không khí thoải mái trong nhóm làm việc của bạn. Sau đó, bạn tiếp tục nâng cao kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp phòng ban khác, sếp, đối tác, khách hàng… tùy theo tính chất công việc của bạn.

5. Làm việc độc lập

Tinh thần chủ động và tự giải quyết công việc của người phương Tây và một số nước châu Á rất cao. Vì vậy, họ cũng yêu cầu bạn có trách nhiệm và biết cách sắp xếp công việc linh động nhưng vẫn hợp lý. Để hoàn thiện kỹ năng làm việc độc lập, bạn có thể phát triển các kỹ năng khác bổ trợ như quản lý và sắp xếp công việc, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề…

6. Quản lý thời gian

Điều đầu tiên bạn cần để trở thành người quản lý thời gian tốt là luôn đúng giờ. Đi làm đúng giờ, hoàn thành công việc đúng hạn, sắp xếp thời gian hợp lý cho từng công việc chính là những biểu hiện rõ ràng của những người biết làm chủ thời gian. Kỹ năng này trông khá đơn giản nhưng lại là thách thức với nhiều người vì yêu cầu tính tự giác cao, biết sắp xếp công việc hợp lý đồng thời tôn trọng bản thân và người khác. Khi chưa quen, bạn có thể bắt đầu cài đặt chuông báo với từng công việc, tạo thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc để từng bước bắt kịp và đi trước thời gian.

7. Giải quyết vấn đề

Kỹ năng này đòi hỏi bạn phải luyện cách tư duy nhằm tìm ra giải pháp tốt cho những vấn đề trong công việc. Các sếp trong công ty nước ngoài rất thích những người biết tư duy để giải quyết vấn đề bởi vì điều quan trọng nhất với người quản lý là mọi việc hoàn thành. Để nâng cao khả năng này, bạn có thể bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi tại sao với những tình huống thường gặp trong công việc, tìm ra nguyên nhân gốc rễ của một vấn đề càng cụ thể càng tốt, từ đó đặt ra các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết lý do cốt lõi. Đừng nôn nóng nếu ban đầu bạn giải quyết chưa tốt. Thực tế cho thấy chính những lần sai mới làm bạn nhớ rõ và có những cách giải quyết khác ổn hơn trong lần sau. Chỉ cần không lặp lại những sai lầm cũ thì bạn sẽ nhanh tiến bộ và thay đổi sớm thôi.

8. Làm việc nhóm

Dù ở bất kỳ vị trí nào, việc hợp tác cùng nhau để đi đến thành công luôn quan trọng. Chính vì thế, kỹ năng làm việc đội nhóm được các nhà tuyển dụng ở công ty nước ngoài đặc biệt chú trọng. Điều cần nhớ trong kỹ năng này là đừng để cái tôi lấn át tập thể và hiểu rõ mục đích chung của nhóm làm việc. Chỉ cần đảm bảo 2 yếu tố này thì bạn hoàn toàn có thể tự tin ở kỹ năng này.

9. Tự học

Kỹ năng tự học và phát triển bản thân không phải là yếu tố đặc biệt nhưng những người quản lý tại các tập đoàn đa quốc gia luôn quan sát nhân viên để đánh giá khả năng và cân nhắc xem có nên thăng tiến hoặc tưởng thưởng cho người đó hay không. Vì vậy, bạn cần biết cách quan sát và tự học, học qua công việc, học thêm từ các lớp ngoại khóa, học từ các chuyên gia cùng lĩnh vực, học trong những buổi huấn luyện – đào tạo riêng dành cho nhân viên… Chỉ khi bạn có tiến bộ thì sếp mới tự tin chuyển bạn lên cấp độ cao hơn trong công việc.

10. Phản biện

Không phải vị trí nào cũng yêu cầu kỹ năng này nhưng tư duy phản biện là hoàn toàn cần thiết cho những công việc liên quan đến quản lý, lập kế hoạch và ra quyết định. Để luyện kỹ năng phản biện, bạn cần nhìn vấn đề theo nhiều góc độ và luôn đặt câu hỏi: Nếu đi theo hướng khác thì thế nào? Tại sao lại chọn lựa phương án 2 thay vì phương án 1? Chính tư duy này sẽ giúp bạn có nhiều hướng xử lý tình huống khác nhau, vừa giúp bạn nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, vừa giúp người quản lý để ý bạn hơn nữa. Các sếp ở công ty nước ngoài rất thích nhân viên có những quan điểm và góc nhìn khác biệt và việc thụ động đồng tình với ý kiến ban đầu chẳng hiệu quả gì cho công việc đâu.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *