Cách viết email ấn tượng với nhà tuyển dụng

Một phần quan trọng không kém đó là hãy cám ơn Công ty đã tạo cơ hội cho bạn được thể hiện khả năng.
Tôi từng chứng kiến rất nhiều bạn đã “vô tình” vứt thẳng tay bản CV tâm huyết của mình vào sọt rác vì 1 sơ suất rất nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng, đó là kỹ năng viết EMAIL của các bạn quá yếu. Kỹ năng viết mail là kỹ năng cơ bản đến mức không còn gì cơ bản hơn khi các bạn đi làm vì các bạn sử dụng nó như cơm bữa khi làm việc.
Hơn 90% NTD yêu cầu các bạn nộp CV qua email, thế nên dù muốn hay không thì các bạn cũng phải đính kèm bản CV của bạn lên email, viết vài lời vào trong đó và gửi cho NTD.
Do vậy, cái thứ đầu tiên mà NTD nhìn thấy không phải là nội dung CV của các bạn mà chính là nội dung email mà các bạn gửi, đã có rất rất nhiều trường hợp ứng viên bị loại thẳng cổ vì viết email quá kém mặc dù bản CV của bạn đó có thể rất tốt (tỷ lệ này tôi nghĩ không cao).

Nói cho dễ hiểu, nội dung email của các bạn là bề ngoài của 1 cô gái khi đi hẹn hò với zai, mà muốn cho zai có hứng nói chuyện thì tóc tai, quần áo, mùi nước hoa, guốc dép…của các bạn phải đẹp, phải quyến rũ thì thằng đực kia nó mới có hứng tìm hiểu xem bạn hay ho dư lào (nội dung bản CV).

Thử nghĩ xem, nếu bạn gặp zai mà đầu như củ xu hào, răng thì điểm xuyết tí hành…thì đến bố zai cũng không kiên nhẫn nổi để khám phá xem bạn hay như nào, đấy là còn chưa kể còn 1 đống đang xếp hàng.

Viết mail cũng vậy, nó chính là yếu tố “mặt hoa da phấn” để bản CV của các bạn được lưu lại và xem xét. Vậy các bạn cần lưu ý các điểm sau:

1. TIÊU ĐỀ MAIL:
Phải nói thật, tôi cực kỳ bực mình khi mở mail ra mà không biết các bạn đang ứng tuyển cho vị trí nào. Các bạn toàn ghi cộc lốc “Hồ sơ xin việc” hoặc là “Nguyễn Thị A – Hồ sơ xin việc”. Bạn nên nhớ, 1 công ty có thể tuyển rất nhiều vị trí cho nên họ cần phân loại ngay từ lúc nhận được email chứ không phải là bật CV ra xem là vị trí nào rồi họ mới lưu lại (đấy là chưa kể trong CV cũng không ghi vị trí gì luôn).

>>> Hãy đọc kỹ lại tin tuyển dụng xem có yêu cầu ghi tiêu đề theo cú pháp gì không, nếu không yêu cầu thì hãy ghi tiêu đề đủ 3 yếu tố sau:
Họ tên – Vị trí công việc – ngày tháng. Ví dụ: Nguyễn Thị A – Vị trí Kế toán – 19062015.
Lưu ý: Tên file CV đính kèm của các bạn cũng nên ghi theo cú pháp này và không có dấu.

2. MỞ ĐẦU RA SAO?
Hãy nhớ BẮT BUỘC phải ghi là “Kính gửi”. Các bạn đang gửi email cho 1 tổ chức, cho 1 NTD mà tôi nghĩ là hơn tuổi bạn, hãy dùng “Kính gửi” để thể hiện sự tôn trọng tổ chức, tôn trọng người nhận email cũng như tôn trọng chính bản thân bạn.

Tuyệt đối không dùng “Gửi”, “Thân gửi”, “Chào Anh/chị”…vì nó không thể hiện sự tôn trọng, phép lịch sự giữa 2 chủ thể. Kể cả khi bạn vào làm việc rồi thì các bạn cũng phải “Kính gửi” khi đối tượng nhận là 1 Đơn vị, tổ chức, người lớn tuổi hoặc 1 người lãnh đạo nào đó.

>>> Rất nhiều bạn dùng từ “Dear”, đó là từ rất trung tính không thể hiện được cảm xúc người gửi, thế nên hãy nhớ dùng “Kính gửi” để bắt đầu email.

3. GỬI CHO AI?
Vậy “Kính gửi” ai? Hãy đọc lại tin tuyển dụng xem đầu mối nhận email là ai thì hãy Kính gửi người đó. Nếu người nhận là cá nhân cụ thể thì hãy Kính gửi Anh/chị gì đó và ghi bên cạnh là phòng ban, cơ mà nhỡ may các bạn sợ Anh/chị không đủ trân trọng thì dùng tiếng Anh Mr hoặc Ms.

Ví dụ: Kính gửi Ms Ngọc Trinh – Bộ phận nhân sự (đọc đã thấy yêu rồi).

Nhưng nếu không ghi cụ thể là ai mà chỉ ghi bộ phận thì hãy ghi Kính gửi Bộ phận đó và kèm tên Công ty.
Ví dụ: Kính gửi Phòng Tuyển dụng nhân sự – Công ty ABC.

>>> Hãy đảm bảo ghi đúng tên người nhận mail hoặc bộ phận nhận email của bạn. Đừng ghi chung chung là Kính gửi Anh/chị, nghe cứ như là bạn đang gửi mail cho hàng loạt vậy.

4. VIẾT THẾ NÀO?
Nội dung email phải nói sơ qua cơ duyên của bạn với công việc ứng tuyển, nói sơ qua kinh nghiệm như nào (nói ngắn gọn làm gì trong bao lâu) và nhớ là nó có liên quan đến công việc ứng tuyển.

Cách viết hay nhất là gợi trí tò mò của NTD và kích thích họ mở CV của bạn ra, tránh tuyệt đối kiểu viết liệt kê lại những thứ đã ghi trong CV như là học vấn, chứng chỉ abc…vì họ không có nhiều thời gian để đọc hết đâu.

Rất nhiều bạn liệt kê thành từng dòng 1 những thứ mà ai cũng có như là các chứng chỉ và bằng Đại học. Hãy bày tỏ rằng bạn phù hợp với vị trí này ra sao và bạn sẽ đáp ứng TỐT như thế nào công việc này, có nhiều bạn ghi trong mail rằng “Em hứa sẽ cố gắng..” hoặc “Em cam đoan”, “Em cam kết”….mấy cái này là vô nghĩa vì họ không quan tâm, họ chỉ quan tâm rằng bạn phù hợp ra sao với công việc.

Một phần quan trọng không kém đó là hãy cám ơn Công ty đã tạo cơ hội cho bạn được thể hiện khả năng. Cuối cùng là để lại thông tin liên lạc của bạn, cách chuyên nghiệp nhất là tạo phần Chữ ký dưới email

>>> Nêu ngắn gọn, súc tích và kích thích sự hứng thú của NTD với bản CV của bạn (ví dụ trong ảnh đính kèm)

5. CÁCH TRÌNH BÀY VÀ VĂN PHONG EMAIL
Hãy bôi đậm phần Kính gửi và dãn các dòng trình bày trong email ra để nhìn cho dễ. Tôi rất sợ những email viết dài và chi chít không có các đoạn cách dòng, xuống dòng, chấm phẩy lung tung. Tình trạng này khiến người đọc mệt mỏi khi đọc mail của các bạn và đương nhiên các bạn đã có lỡ cơ hội ghi điểm ngay từ “cái nhìn đầu tiên”.
Mẹo nhỏ cho các bạn, đó là hãy soạn email ra bản word trước và căn chỉnh mọi thứ đẹp như tranh vẽ rồi mới paste vào mail. Thông thường tôi chỉnh Paragraph – Spacing phần Before, After là 6pt, line spacing là 1,5 line tùy độ dài mail, font chữ là Times New Roman.

Văn phong email phải thể hiện thái độ trân trọng, cầu thị, tự tin và chuyên nghiệp hết mức có thể. Lỗi chết người nhất mà các bạn hay gặp đó là SAI CHÍNH TẢ, cái này nhỏ thôi nhưng nó đánh giá sự thiếu chuyên nghiệp và cẩu thả của các bạn.

>>> Hãy thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách hành văn và trình bày email ở mức cao nhất của các bạn. Đây là sẽ cơ hội cho các bạn ghi điểm đầu tiên với NTD.

6. SỨC MẠNH CỦA CÂU CÁM ƠN:
Hãy nhớ Cám ơn NTD vì đã tạo cơ hội cho các bạn, cái này là đương nhiên nhưng nếu chẳng may các bạn bị loại khỏi vòng loại và nhận được email “Rất tiếc” của NTD thì vẫn còn 10% cơ hội cho các bạn để được chấp nhận, đó là LỜI CÁM ƠN.

Đã không ít lần NTD đã gọi lại ứng viên đã bị loại từ vòng đầu vì email cám ơn này. Bạn biết đấy, cám ơn khi người khác trao cơ hội cho mình thì quá dễ hiểu nhưng vẫn cám ơn lần nữa khi bị Từ chối thì không phải ai cũng làm được.

Lời cám ơn sau khi bị từ chối có sức mạnh hơn gấp nhiều lần Lời cám ơn khi các bạn mới nộp CV. Không phải hiếm gặp, khi NTD phỏng vấn nhiều ứng viên và họ không hài lòng, bỗng nhiên họ nhớ ra email của bạn đã cám ơn họ lúc bạn bị từ chối, lúc này tự nhiên bạn lại thành người có cơ hội vì đơn giản Bạn là người biết trước biết sau.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *